nguyendu.org.vn
Loading...

Ấn phẩm - Sách

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

THƯ MỤC VỀ NGUYỄN DU


Ngày 24-3-1965, một buổi họp được ông Khoa-trưởng Trường Đại-học Văn-khoa Sài-gòn triệu-tập để thảo-luận về việc tham-gia tổ chức Lễ Kỷ-niệm Đệ-nhị Bách-chu-niên tác-giả Kim-Vân-Kiều, vào đầu tháng 10 năm nay.


Hội-đồng đã tán-thành một ý-kiến của Nha Văn-khố và Thư-viện Quốc-gia đề-nghị cho biên-soạn một cuốn Thư-mục về Nguyễn-Du với sự bảo-trợ của Trường Đại-học Văn-khoa Sài-Gòn Viện Khảo-cổ và Nha Văn-khố và Thư-viện Ọuốc-gia.

Công việc biên-soạn đã được giao-phó cho Ông Lê-Ngọc-Trụ, Trưởng-ban Thư-mục tại Thư-viện Quốc-gia, và Ông Bửu-Cầm, Trưởng-ban Sưu-tầm tại Viện Khảo-cổ.

Kể tới ngày 15-7-65, cuốn Thư-mục về Nguyễn-Du đã hoàn-thành và đã được Viện Khảo-cổ đảm-nhận ấn-hành.

Trong khi nhà in bắt đầu sắp chữ, thì hai soạn-giả cuốn Thư-mục, đồng thời cũng là bạn đồng-sự với chúng tôi tại Trường Đại-học Văn-khoa Sài-gòn, đã ngỏ ý muốn chúng tôi viết thêm vài lời giới-thiệu.

Trước nhã-ý đó của hai ông bạn, chúng tôi cảm thấy vô cùng bối-rối, vì đã có «Lời dẫn» của hai soạn-giả thuyết-minh cặn-kẽ về phương-pháp biên-soạn và trình-bày rõ-rệt cách-thức sắp-đặt cuốn Thư-mục rồi.

Vậy biết viết gì thêm mà vẫn không mang tiếng lấy cớ để tựa đề nói chuyện dông-dài.

May thay  sau khi đọc kỹ nội-dung bản-thảo cuốn Thư-mục, chúng tôi đã nhận thấy còn có một vấn-đề nên bàn tới là phần cống-hiến của cuốn Thư-mục nầy đối với công cuộc khảo-cứu tương-lai về Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Vấn-đề nẩy, chúng tôi tin chắc rằng hai soạn-giả cũng đã thừa rõ, nhưng vì lý-do khiêm-tốn, đã không tiện đề-cập tới mà thôi.

Trước hết, cuồn Thư-mục nẩy là cuốn Thư-mục đầu tiên về Nguyễn-Du. Tới nay, duy chỉ có những mục dẫn sách tham-khảo in vào phần cuối các tác-phẩm khảo-luận về tác-giả Kim-Vân-Kiều. Đầy đủ nhất phải kể tới mục dẫn sách tham-khảo trong Tập Văn-hóa Kỷ-niệm Nguyễn-Du do Hội Quảng-tri ở Huế xuất-bản năm 1942, và trong cuốn Etude critique du Kim-Vân-Kiều của ông Trần-Cửu-Chấn, Tiến-sĩ Văn-chương, do nhà in Nguyễn-Văn-Của ấn-hành tại Sài-gòn năm 1948.

Tuy nhiên, những mục dẫn sách tham-khảo nầy chỉ được giới-hạn trong phạm-vi đề-tài chuyên-biệt của mỗi tác-phẩm khảo-luận. Trái lại, mặc dầu trong "Lời dẫn", soạn-giả " chỉ xin biên ra đây những phần nào đã được đọc qua" trong số các tài-liệu liên-quan, cuốn Thư-mục về Nguyễn-Du đã gom-góp được hầu hết tài-liệu tham-khảo thiết-yếu về tiểu-sử và thi-văn-phẩm của Tiên-Điền Nguyễn tiên-sinh.

Đó là đặc-điểm thứ nhất của cuốn Thư-mục về Nguyễn-Du.

Những tài-liệu đó đếm được cả thảy 574 đơn-vị gồm có 235 đơn-vị sách và 239 đơn-vị bài báo, và được phân chia thành các mục như : Tiểu-sử tác-giả, các tác-phẩm ngoại-trừ Đoạn-trường Tân-thanh, Truyện Kiều dưới hình-thức các bản chữ nôm và chữ quốc-ngữ, cùng các tài-liệu liên-quan đến Truyện Kiều, như lai-lịch và giai-thoại, vịnh Kiều, tập Kiều,phú, án, khảo-luận về Truyện Kiều dưới hình-thức các sách phê-bình và các bài đăng-tải trong tạp-chí.

Nếu so-sánh các mục tài-liệu về phương-diện số lượng, có thể nhận thấy, dẫn đầu tất cả, là mục về Truyện Kiều trong đó trội hơn hết là phần khảo-luận. Kế tới là mục về tiểu-sử  Nguyễn Du so với toàn bộ cuốn Thư-mục chiếm được khoảng một phần tám tổng số tài-liệu.

Kết-quả phân-tích có tính-cách thống-kê đó giúp ta nhận-thức được khá rõ những vấn-đề đã được khảo-cứu về Nguyễn-Du cùng những vấn-đề chưa được đề-cập tới.

Dưới đây xin cử một vài tỉ-dụ về trường-hợp chót : cho tới ngày nay vẫn chưa có được một bản hiệu-đính (édition critique) thật khoa-học về Truyên Kiều,  sánh được với bản hiệu-đính Hoa-tiên của Cụ Nguyễn - Văn-Tố hay bản hiện-đính Chinh-phụ ngâm của ông Hoàng-Xuân-Hãn. Ngoài ra lại có những vấn-đề tuy đã được khảo-cứu khá nhiều những còn đòi hỏi một công-phu khảo-cứu tổng-hợp khả-dĩ giải-quyết được cho thật thoả-đáng các chủ-trương bất-nhất về các vấn-đề đó, như nguồn-gốc Truyện Kiều, triết lý Truyện Kiều, v.v...

Trên đây là vài cảm-nghĩ cuốn Thư-mục về Nguyễn-Du của hai ông Lê-Ngọc-Trụ và Bửu-Cầm đã gợi ra cho chúng tôi về vài triển-vọng khảo-cứu liên-quan tới Thi-hào Nguyễn-Du. Chúng tôi thành tâm mong ước những triển-vọng đó sớm được thực-hiện, để gọi là tỏ được phần nào lòng biết ơn của chúng ta đối với tác-giả Truyện Kiều, vì theo như lời nhận-xét rất xác-đáng của nhà học-giả Phạm-Quỳnh :«Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn...».


Sách